- Hãy chăm sóc mẹ - Trang 6
Chương 3: Tôi đã về đây! (3)
Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muốn nổ tung...
Cả đời ông lúc nào cũng đi trước vợ. Có những khi ông rẽ sang đường mà không hề quay đầu lại. Khi vợ ông gọi với theo từ phía sau, thế nào ông cũng càu nhàu, “Sao bà đi chậm thế.” Vậy mà năm mươi năm đã trôi qua. Mỗi khi ông dừng lại đợi, bà sẽ tiến lại chỗ ông, hai má đỏ bừng, vừa cười vừa nói, “Nếu ông đi chậm một chút nữa thì tốt biết mấy.” Ông cứ nghĩ phần đời còn lại của mình sẽ tiếp tục diễn ra như vậy. Thế nhưng kể từ cái hôm ở ga Seoul khi ông lên chuyến tàu điện ngầm, cái ngày mà vợ ông chỉ ở phía sau ông có mấy bước chân, bà vẫn chưa đến bên ông.
Vừa nhìn lũ trẻ ăn ngấu nghiến bát cơm dở sống dở chín với thức ăn chỉ là đĩa kim chi, ông nhấc cái chân trái đã từng phải phẫu thuật khớp xương đặt lên trên sàn nhà. Sau khi phẫu thuật, chân ông không còn đau hay tê cứng nữa, nhưng nó thành ra không gập được.
“Để tôi chườm nóng cho ông nhé?”
Ông tưởng chừng như có thể nghe thấy tiếng vợ vẳng bên tai. Dù ông không trả lời thì đôi bàn tay đồi mồi của vợ ông vẫn thoăn thoắt đặt xoong nước lên bếp ga đun rồi nhúng khăn vào nước nóng, vắt kiệt rồi đắp lên đầu gối cho ông. Mỗi lần nhìn đôi bàn tay chai sần của vợ ấn chiếc khăn lên đầu gối ông, ông lại mong rằng bà sẽ sống lâu hơn mình dù chỉ một ngày. Để sau khi ông chết, chính bàn tay của vợ ông sẽ vuốt mắt cho ông lần cuối cùng, sẽ lau rửa cơ thể đã lạnh ngắt của ông trước mặt các con, và cũng chính bàn tay ấy sẽ đặt tấm vải liệm cho ông.
“Mấy đứa lại đi đâu rồi?” ông hét lên gọi lũ trẻ. Sau khi ăn xong, lũ trẻ đã chạy biến đi, chỉ còn lại mình ông ngồi duỗi chân trên sàn nhà, người đàn ông lạc mất vợ, người đàn ông cô độc trong ngôi nhà trống trải. Ông hét lên, cố gắng kìm nén không bật khóc thổn thức khi mà cơn nghẹn cứ chực sẵn nơi cổ họng kể từ khi vợ ông bị mất tích. Ông chẳng thể gào thét hay rơi lệ trước mặt con trai hay con gái hoặc con dâu, nhưng giờ đây vì cơn giận dữ hay vì cái gì đó, nước mắt ông cứ tràn ra không sao kìm lại được. Nước mắt đã không hề rơi khi những người hàng xóm chôn cất bố mẹ ông trên núi, bố mẹ ông mất cách nhau có hai ngày khi dịch tả tràn qua làng. Ông không thể khóc cho dù rất muốn. Chôn cất bố mẹ xong, ông đi xuống núi trong cảm giác run rẩy vì lạnh và vì sợ. Nước mắt cũng không hề rơi trên mặt ông trong suốt cả thời kỳ chiến tranh. Hồi đó, nhà ông có một con bò. Ban ngày, khi quân đội quốc gia còn ở trong làng, ông thường dắt bò ra đồng cày ruộng. Thời ấy cứ đêm đến là quân lính Bắc Triều Tiên lại từ trên núi mò xuống làng bắt người và gia súc. Khi mặt trời lặn, ông sẽ dắt con bò vào thị trấn, buộc gần đồn cảnh sát rồi tựa vào bụng nó mà ngủ. Sáng ra, ông lại dắt con bò về làng để đi cày ruộng. Vào đúng cái đêm ông không dắt con bò đến đồn cảnh sát vì nghĩ rằng quân đội Bắc Triều Tiên đã rút khỏi khu vực này, chúng đã kéo vào làng. Chúng ra sức bắt con bò đi. Ông nhất định không chịu thả con bò ra cho dù bị chúng đấm đá thùm thụp. Ông chạy theo để giằng lại con bò, ông gạt sang bên bà chị gái đang cố ngăn ông lại, và ngay cả khi bị chúng đánh bằng báng súng, ông cũng không hề khóc. Ông vốn không rơi một giọt nước mắt khi bị nhốt trong thùng nước gạo cùng với nhiều người khác trong làng do bị quy kết là phần tử phản động vì có người chú làm cảnh sát, ông cũng chẳng hề khóc khi bị cái xiên tre chọc vào cổ, nhưng giờ đây ông đang gào lên nức nở. Cho đến tận bây giờ ông mới nhận ra rằng, mong muốn cho người vợ được sống lâu hơn mình của ông mới ích kỷ biết bao. Chính sự ích kỷ đã khiến ông lờ đi sự thực là vợ ông đã mắc bệnh nặng. Ông cũng biết rằng vợ ông thường ngủ như chết trong những lần ông về nhà vào ban đêm, mắt nhắm nghiền vì cơn đau đầu dữ dội. Chỉ có điều ông không chịu chấp nhận thực tế đó. Ông cũng biết có những lúc vợ ông bảo mang cơm cho chó nhưng không đi tới chuồng chó mà lại ra ngoài sân giếng, hay những khi bà ra khỏi nhà để đi đâu đó nhưng lại đứng ngẩn ngơ trước cổng, không nhớ nổi mình định đi đâu, rồi cuối cùng bà bỏ cuộc và quay vào nhà. Những việc như thế diễn ra thường xuyên. Ông chỉ biết đứng nhìn khi vợ ông lết vào phòng, khó lắm mới tìm được cái gối để ngả lưng, nỗi khắc khổ hằn trên khuôn mặt. Ông lúc nào cũng đóng vai người đau ốm, còn vợ ông là người chăm sóc. Nếu vợ ông có kêu đau bụng, thì ông sẽ nói mình cũng đang đau thắt lưng. Mỗi khi ông đau ốm, vợ ông thường bóp trán, xoa bụng cho ông, rồi ra hiệu mua thuốc và nấu cháo đậu xanh cho ông. Vậy mà khi bà ốm, ông chỉ nói, “Bà uống thuốc đi.”
Cũng phải đến tận bây giờ ông mới nhận ra rằng, ngay cả khi vợ ông bị bệnh tiêu chảy, không ăn uống gì được trong mấy ngày liền, ông cũng không mang nổi cho bà một cốc nước ấm.
Chuyện đó xảy ra khi ông còn đang lang thang khắp đất nước, đắm mình trong tiếng trống cổ truyền. Nửa tháng sau ông về nhà thì vợ đã sinh một cô con gái. Bà chị gái của ông, người đã đỡ đứa bé, bảo với ông là mẹ tròn con vuông, nhưng vợ ông đang mắc tiêu chảy. Vợ ông cứ ăn gì vào bụng là ra ngoài hết, da mặt bà khô khốc, gò má hốc hác, nhăn nheo, chẳng hề có dáng một người phụ nữ vừa sinh con. Tình trạng sức khỏe của vợ ông không hề tiến triển. Ông nghĩ nếu cứ để thế thì có lẽ bà không qua khỏi. Ông đã đưa tiền cho chị gái mình đi mua thuốc Bắc về sắc cho vợ ông uống.
Ông ngồi trên nền ngôi nhà trống trải khóc nức nở, tiếng khóc ngày càng to.
Đến bây giờ ông mới nghĩ ra đó là lần duy nhất ông bỏ tiền mua thuốc cho vợ mình. Chị cả của ông đã cắt ba thang thuốc về sắc cho vợ ông uống. Sau này, mỗi khi bụng có vấn đề, vợ ông thường rên rỉ, “Hồi đó nếu tôi được uống thêm hai thang thuốc Bắc nữa thì bệnh đã khỏi hẳn!”
Họ hàng nhà ông đều rất quý vợ ông. Dù khi họ tới thăm, ông chỉ biết nói “Bác đến chơi ạ!” và lúc họ về thì chào “Bác lại nhà ạ!” nhưng rất nhiều họ hàng nhà ông vẫn đến chơi vì có vợ ông. Mọi người đều bảo những món ăn do bà làm luôn đong đầy tình cảm trong đó. Dù tất cả những gì vợ ông làm là ra vườn cắt ít cẩm quỳ vào nấu canh và nhổ một cây cải thảo để làm món rau cải muối đơn giản, mọi người đều ăn rất ngon miệng. Họ không ngớt lời khen canh và cải thảo muối thật tuyệt. Vào dịp nghỉ hè, mấy đứa cháu về quê chơi với ông bà. Khi trở lại thành phố, chúng cứ phàn nàn là chúng tăng cân đến mức không thể cài khuy áo đồng phục được nữa. Mọi người đều bảo cơm do vợ ông nấu có khả năng vỗ béo người ta. Vào vụ cấy, khi ông và những người hàng xóm làm hộ đang gieo mạ trên thửa ruộng nhà ông, vợ ông thường mang cơm trưa có canh cá bao kiếm hầm khoai tây mới dỡ, mọi người sẽ dừng tay và tranh nhau ăn lấy ăn để. Ngay cả những người vô tình đi ngang qua cũng dừng lại ăn chực. Dân làng cứ tranh nhau đến làm việc cho nhà ông. Họ bảo nếu ăn cơm trưa do vợ ông nấu thì phải làm được gấp đôi số việc so với bình thường mới lại thấy đói. Nếu có người bán dưa bở hay bán quần áo nào đó cứ đảo qua đảo lại trước cổng nhà vào đúng giờ ăn trưa của gia đình ông, thế nào bà cũng bảo họ để hàng hóa vào một góc rồi mời cơm mời nước. Vợ ông có thể ăn uống vui vẻ với người lạ nhưng lại không tài nào hòa hợp được với chị gái ông.
“Khi đó, tôi chỉ cần uống thêm hai thang thuốc Bắc nữa là sẽ khỏi hết bệnh... Ngay đến cả người vô tâm như ông cũng nói với người vợ vừa qua kỳ sinh nở là nên uống thêm hai thang thuốc nữa cho bệnh khỏi hẳn, thế mà bà chị gái của ông lại lườm nguýt và nói rằng, uống thêm hai thang làm cái gì, thế là đủ rồi, không phải sắc siếc gì nữa. Chị ấy đã không mua thêm thuốc cho tôi. Lúc đó mà uống thêm hai thang nữa thì có phải bây giờ đỡ khổ rồi không!” Cứ mỗi khi đau đớn vì căn bệnh đường ruột, bà lại than thở như thể câu chuyện khó chịu ấy vừa mới xảy ra ngày hôm qua, cho dù ông không hề nhớ gì về chuyện đó cả. Và, mặc dù bà nhắc đi nhắc lại chuyện này bao nhiêu lần, ông không bao giờ mua thuốc Bắc về sắc cho vợ khi bà bị tả lị.
“Phải uống thuốc từ lúc ấy, chứ bây giờ mới uống thì có ích gì đâu!” Mỗi khi bị bệnh tả, vợ ông chẳng ăn bất cứ thứ gì. Ông chẳng hiểu làm sao người ta có thể không ăn gì trong nhiều ngày liền. Hồi còn trẻ thì ông cứ mặc kệ, phải đến khi đã già ông mới hỏi vợ được một câu, “Bà cũng phải ăn cái gì vào chứ.” Những lúc như vậy, vợ ông sẽ trả lời với điệu bộ thật đáng thương, “Tôi thấy loài cầm thú cũng thế đấy thôi. Đến như con bò hay con lợn... nếu chúng mà ốm đau thì cũng bỏ ăn ngay. Ngay cả con gà cũng vậy. Con chó nhà ta cũng thế, nó mà sinh bệnh thì có thiết ăn uống gì đâu! Nó mà bị ốm là nó bỏ ăn, cho dù tôi có cho cơm ngon đến thế nào nó cũng không thèm ngó ngàng, nó chỉ bới một cái hố trước chuồng rồi đặt bụng xuống nằm im ở đấy thôi. Nó cứ nằm như thế mấy ngày rồi tự khỏe dậy. Lúc đấy nó mới ăn cơm. Người cũng có khác gì đâu ông, bụng dạ đang lục cục lên thế này mà ăn thứ gì thì dù có ngon đến mấy cũng thành ra độc đấy ông ạ.”
Nếu căn bệnh tả không cầm được, vợ ông sẽ giã quả hồng khô rồi ăn một thìa. Bà nhất quyết không đi khám. Cho dù ông có nói, “Hồng khô thì sao có thể làm bà khỏi bệnh được, phải đi viện xem người ta chẩn đoán thế nào rồi mua thuốc về mà uống mới đỡ chứ,” thì vợ ông cũng không nghe. Nếu ông cứ nói đi nói lại, vợ ông sẽ cáu lên, “Tôi đã bảo với ông là sẽ không đi viện rồi còn gì!” và không cho ông nhắc lại chuyện đó nữa. Có một năm, ông bỏ nhà ra đi vào mùa hè và trở về nhà vào mùa đông, ông thấy bên ngực trái của vợ nổi lên một khối u. Ông nói với bà rằng điều đó thật khác thường, nhưng vợ ông chẳng quan tâm. Chỉ đến khi núm vú của bà lõm xuống và có chất dịch rỉ ra, ông mới dẫn vợ đến bệnh viện trong thị trấn để khám, bà vẫn đội cái khăn thấm đẫm mồ hôi ở trên đầu. Người ta không thể ngay lập tức cho ông biết chính xác vợ ông mắc bệnh gì. Họ kiểm tra rồi bảo phải mười ngày sau mới có kết quả. Nghe thấy thế, vợ ông thở dài thườn thượt. Chuyện gì đã xảy ra trong mười ngày ấy? Khi đó, ông đã mải mê với việc gì quan trọng đến mức không đi lấy kết quả cho vợ mình? Sao ông lại chần chừ không quay lại lấy để xem có điều gì không ổn với bà? Cuối cùng, khi núm vú của vợ ông mưng mủ, ông mới dẫn vợ trở lại bệnh viện. Bác sĩ nói rằng bà bị ung thư vú.
“Bác sĩ bảo tôi bị ung thư vú sao?” Vợ ông nói rằng không thể như thế được. Rằng bà không có thời gian để nằm trên giường vì đau ốm. Rằng bà có quá nhiều việc phải làm. Bác sĩ giải thích rằng vợ ông không thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Bà sinh nở sớm, cả năm đứa con đều bú mẹ, bà không hề có kinh sớm vì kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện vào năm lấy ông, và bà cũng không thích ăn thịt, hay nói đúng hơn là không có điều kiện để ăn. Vậy mà tế bào ung thư lại đang phát triển ở bên ngực trái của bà. Nếu ông quay trở lại bệnh viện lấy kết quả ngay lần đầu đi khám thì có lẽ bà đã không phải cắt đi ngực trái. Sau khi phẫu thuật, ngực vẫn còn quấn băng, vợ ông đã ra đồng để trồng khoai tây. Vừa trồng khoai tây trên mảnh ruộng mà ông đã phải bán cho người ta để lấy tiền phẫu thuật, bà vừa tuyên bố, “Kiếp này tôi sẽ không bao giờ đi bệnh viện nữa!” Không chỉ từ chối không đi bệnh viện mà vợ ông còn không để ông lại gần mình.
Đợt ông sắp lên Seoul để các con tổ chức sinh nhật cho mình, vợ ông đã rất khổ sở với căn bệnh đường ruột. Ông lo lắng không biết bà có lên Seoul cùng mình được không trong lúc đang đau ốm thế này, nhưng bà nhờ ông vào thị trấn mua cho mấy quả chuối vì đã nghe được phương thuốc gì đó. Trước khi ông lên Seoul, vợ ông trộn hai quả hồng sấy khô với nửa quả chuối để ăn trong ba bữa liền. Ngay cả hồi sinh mấy đứa con, vợ ông cũng chưa bao giờ nằm nghỉ trong phòng quá một tuần, vậy mà bà đã phải nằm liệt giường cả mười ngày vì đau bụng. Và vợ ông bắt đầu quên cả những ngày giỗ chạp. Những khi muối kim chi, bà cũng hay ngừng tay ngồi ngẩn ngơ nhìn vào không trung. Khi ông hỏi xem có vấn đề gì không, bà sẽ lẩm bẩm vẻ mệt mỏi, “Để xem nào... tôi không nhớ là đã cho tỏi vào hay chưa.” Có khi vợ ông còn dùng tay không để nhấc cả nồi canh đậu xanh đang sôi sùng sục khiến tay bị bỏng. Những lúc như thế, ông chỉ nghĩ, Vợ mình không còn trẻ nữa. Ông chỉ nghĩ, Đến cả mình giờ cũng bao nhiêu ngày tháng có nhớ nhung gì đến tiếng trống cổ truyền nữa đâu, trong khi ngày xưa đam mê là thế. Ở cái tuổi này, tình trạng sức khỏe đâu còn như trước nữa, kiểu gì chẳng có bệnh này bệnh nọ. Ông cho rằng, đến tuổi này, con người ta phải chấp nhận làm bạn với bệnh tật, vợ ông cũng đang ở trong giai đoạn đó mà thôi, có gì nghiêm trọng đâu.
“Cậu ở nhà đấy à?”
Ông choàng mở mắt khi nghe thấy tiếng bà chị gái. Trong một thoáng ông tưởng như nghe thấy tiếng vợ mình, mặc dù ông biết rất rõ rằng sáng sớm tinh mơ thế này đã tìm đến nhà ông thì chỉ có bà chị của ông thôi.
“Tôi vào nhé!”
Vừa nói, bà chị gái ông vừa mở cửa bước vào. Chị ông bê một cái mâm có một bát cơm và mấy bát thức ăn đậy miếng vải trắng. Chị đặt cái mâm vào một góc phòng rồi nhìn ông. Chị sống chung với ông trong ngôi nhà này cho đến bốn mươi năm trước, khi chị xây nhà bên cạnh con đường mới, và kể từ đó, chị luôn thức dậy từ sáng sớm, hút một điếu thuốc, chải đầu và kẹp tóc, rồi đứng dậy đi sang bên nhà ông. Chị sẽ đi một vòng quanh nhà ông trong ánh bình minh rồi mới trở về nhà. Vợ ông luôn nhận ra tiếng bước chân của chị, lặng lẽ dạo quanh ngôi nhà từ sân trước sang sân bên ra sân sau. Với vợ ông, riêng bước chân của chị gái ông chính là tiếng đồng hồ báo thức. Vợ ông sẽ trở mình và càu nhàu, “Lại đến rồi đấy,” rồi lồm cồm ngồi dậy. Chị ông chỉ đi một vòng xung quanh nhà ông rồi trở về nhà, có lẽ chị ấy kiểm tra để cho yên tâm rằng nó vẫn nguyên vẹn qua một đêm. Ngày xưa, chị gái ông đã mất hai người anh cùng một lúc, rồi mất cả bố lẫn mẹ chỉ trong hai ngày, và trong cuộc chiến tranh, suýt nữa chị mất nốt cả ông. Chồng chị không phải người làng này, sau khi cưới, anh rể ông đến đây sinh sống chứ chị ông không sang ở bên làng của nhà chồng, nhưng rồi, anh ấy chết trong một vụ cháy nhà. Nỗi đau mất chồng đã đâm rễ sâu trong lòng chị gái ông và trở thành một cây đại thụ. Một cây đại thụ không tài nào đốn được.
“Sao cậu ngủ mà không buồn đắp chăn thế?” Đôi mắt vốn đầy vẻ dữ tợn và khắc nghiệt từ khi là một góa phụ trẻ không có con của chị giờ đây chùng xuống. Mái tóc bạc như cước, được chải và kẹp gọn gàng. Dù chị ông nhiều hơn ông tám tuổi, nhưng dáng dấp chị trông vẫn ngay ngắn hơn ông. Chị đến ngồi bên cạnh ông, lấy một điếu thuốc ra đưa lên miệng.
“Chẳng phải chị cai thuốc rồi à?”
Chị ông không trả lời mà lôi ra chiếc bật lửa có khắc tên một nhà hàng nào đó trong thị trấn rồi châm thuốc. “Con chó nhà cậu đang xích ở nhà tôi. Cậu cứ dắt nó lên đây nếu muốn.”
“Chị cứ để nó ở đấy... Em nghĩ em phải lên lại Seoul.”
“Cậu sẽ làm cái gì trên đó?”
Ông không nói gì.
“Sao cậu về nhà có một mình? Cậu phải tìm vợ rồi đưa mợ ấy về chứ!”
“Em có cảm giác như vợ em đang đợi em ở đây.”
“Nếu mợ ấy mà ở đây thì tôi đã gọi cho cậu ngay rồi chứ?”
Ông im lặng.
“Sao cậu lại thành ra như thế chứ, cậu đúng thật là vô dụng! Chồng gì mà lại để lạc mất vợ! Sao cậu có thể vác thân côi về nhà trong khi cái mợ tội nghiệp ấy còn lang thang đâu đó ngoài đường chứ hả?”
Ông nhìn chằm chằm người chị mái tóc bạc trắng. Ông chưa bao giờ nghe chị gái nói về vợ mình với giọng điệu này. Chị lúc nào cũng chặc lưỡi lắc đầu ra vẻ thất vọng với vợ ông. Bà chị luôn mắng mỏ vợ ông vì vợ ông không đậu thai trong suốt hai năm đầu làm dâu nhà này, nhưng khi có Hyong-chol rồi thì chị ông lại bảo, “Chuyện đó thì có gì ghê gớm, người ta cũng sinh đẻ cả đấy thôi.” Mặc dù sống cùng gia đình ông suốt những năm tháng vợ ông phải giã thóc trong cối gỗ để lấy gạo cho từng bữa cơm, chị ông chưa một lần giã gạo. Tuy thế, chị cũng đỡ đần vợ ông nhiều sau những lần sinh nở.
“Tôi định là trước khi chết sẽ nói đôi điều với mợ ấy, nhưng mợ ấy không có đây thì tôi nói với ai bây giờ?”
“Chị định nói về cái gì?”
“Đâu chỉ là một hai chuyện...”
“Chị sẽ nói về chuyện chị đã đối xử tệ với vợ em chứ?”
“Mợ ấy bảo với cậu là tôi đối xử tệ với mợ ấy à?”
Ông chỉ nhìn chị chằm chằm, thậm chí chẳng cười. Thế sao lúc nào chị cũng bảo chị không như thế? Ở đây, không ai là không biết chuyện chị gái ông đối xử với vợ ông như mẹ chồng chứ chẳng giống chị chồng. Tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Chị gái ông rất ghét phải thừa nhận điều đó. Chị thanh minh rằng phải làm thế vì trong nhà không có người lớn. Chẳng rõ có thật vậy không.
Chị ông lại lấy một điếu nữa trong bao thuốc đang để trên sàn nhà đưa lên miệng. Ông châm thuốc cho chị. Có vẻ như việc vợ ông mất tích đã khiến chị ông hút thuốc trở lại. Ấy thế nhưng, thật ra cũng khó tưởng tượng ra cảnh chị ông thôi không hút thuốc nữa. Việc đầu tiên chị ông làm khi thức dậy vào buổi sáng là mò tìm bao thuốc, và suốt cả ngày, chị luôn hút một điếu trước khi làm bất cứ điều gì, trước khi đi đâu đó, trước khi ăn cơm, trước khi đi ngủ. Ông nghĩ chị hút quá nhiều nhưng ông chưa một lần khuyên chị mình bỏ thuốc. Đúng ra là không thể nói được. Khi ông nhìn thấy chị ngay sau khi anh rể ông chết cháy trong ngọn lửa, chị ông đang vừa hút thuốc vừa nhìn ngôi nhà đã cháy rụi, Chị cứ ngồi như thế, hút hết điếu này sang điếu khác, không khóc cũng chẳng cười. Chị hút thuốc thay ăn, thay ngủ. Ba tháng sau khi ngôi nhà bị cháy, ông có thể ngửi thấy mùi thuốc lá trên người chị từ xa, thuốc lá ám vào các ngón tay chị.
“Tôi chẳng sống bao lâu nữa đâu,” chị ông hay làu bàu như thế từ khi bước sang tuổi năm mươi. “Sống bao nhiêu năm qua, tôi nghĩ số phận của mình trong cuộc đời này thật là buồn thảm. Tôi có cái gì chứ? Không con cái, chẳng có gì hết. Khi các anh chúng ta chết, tôi đã muốn chết để cho các anh ấy được sống. Nhưng sau khi đưa tiễn bố mẹ về thế giới bên kia, dù khủng hoảng tinh thần ghê gớm nhưng tôi còn có thể thấy cậu và Kyun. Dường như trên đời này chỉ còn lại có mấy chị em mình. Chồng tôi chết cháy mà chưa được sống trong yêu thương cùng với tôi... thế nên cậu không chỉ là em trai, mà còn là con, là chồng tôi nữa.”
Có lẽ đúng là như thế.
Nếu không phải vậy, hồi ông trúng gió bị cấm khẩu phải nằm liệt giường, sao chị ông lại chẳng quản vất vả sáng nào cũng đi hứng sương mang về cho ông uống trong một năm ròng, suốt từ mùa xuân sang mùa hạ đến mùa thu, vì nghe bảo rằng phải uống một bát đầy sương sớm mỗi ngày thì ông mới nói được. Để lấy được một bát sương sớm trước khi mặt trời mọc, chị ông đã dậy từ nửa đêm ngồi đợi trời tờ mờ sáng. Từ dạo đó, vợ ông thôi không kêu ca về chị ông nữa và bắt đầu đối xử tôn trọng với chị, dường như vợ ông đã coi chị ông là mẹ chồng. Vợ ông, với vẻ mặt đầy kính nể, vẫn bảo, “Tôi không nghĩ mình có thể làm được cho ông nhiều thế đâu.”
“Tôi đã muốn xin lỗi mợ ấy ba điều trước khi tôi chết,” chị ông nói tiếp.
“Chị đã muốn nói gì?”
“Tôi đã muốn xin lỗi về chuyện Kyun... và chuyện tôi to tiếng với mợ ấy vì mợ ấy đã chặt cây mơ nhà mình... và chuyện tôi đã không sắc thêm thuốc khi mợ ấy bị bệnh đường ruột...”
Kyun. Ông mím chặt miệng.
Chị ông đứng dậy chỉ vào cái mâm phủ tấm vải trắng, “Chị để mâm cơm ở đây, khi nào đói thì cậu ăn đi. Cậu có muốn ăn bây giờ không?”
“Thôi chị cứ để đấy, vừa mới dậy nên em chẳng thiết cơm nước gì đâu.”
Ông cũng đứng dậy theo chị mình. Ông theo chị đi một vòng quanh ngôi nhà. Ngôi nhà không có bàn tay chăm sóc của vợ ông nên đầy bụi bặm. Chị ông phủi bụi bám trên các nắp chum khi ngang qua sân sau.
“Cậu có nghĩ Kyun lên thiên đường rồi không?”
“Sao chị lại lôi chuyện cậu ấy ra?”
“Hình như Kyun cũng đi tìm mẹ của Hyong-chol đấy. Tự dưng tôi mơ thấy nó. Nếu còn sống, bây giờ nó sẽ thế nào nhỉ?”
“Chắc là cũng đã già như chị với em thôi... Chứ còn làm sao nữa!”
Khi vợ chồng ông lấy nhau, vợ ông mười bảy tuổi, ông hai mươi, còn Kyun đang học lớp sáu. Trong đám bạn cùng trang lứa, Kyun là đứa trẻ thông minh nổi bật. Kyun hiểu biết rộng, hòa đồng với mọi người, học hành giỏi giang, mặt mày lại sáng sủa đẹp trai. Ai gặp Kyun lần đầu cũng phải mải mê nhìn ngắm, tự hỏi không biết nhà nào may mắn thế khi có một cậu con trai như vậy. Nhưng Kyun không thể học tiếp cấp hai vì hoàn cảnh gia đình nhà ông lúc đó vô cùng khó khăn, thằng bé cứ suốt ngày bám lấy anh chị gái xin được tiếp tục đi học. Đến tận bây giờ giọng thằng bé vẫn như văng vẳng bên tai ông. Anh ơi, cho em đến trường đi. Chị ơi, cho em đến trường đi...
Chương 3: Tôi đã về đây! (4)
Ngày nào nó cũng khóc lóc thảm thiết, năn nỉ anh chị cho đi học. Mặc dù chiến tranh đã qua đi mấy năm nhưng hoàn cảnh lúc đó vẫn thật khủng khiếp. Nhà ông nghèo đến không thể tin nổi. Đôi khi ông vẫn nghĩ về thời kỳ đó như một cơn ác mộng. Ông đã sống sót kỳ diệu sau khi bị cái xiên tre đâm vào cổ họng, nhưng ông rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi phải gánh vác trách nhiệm nuôi cả đại gia đình vì ông là con trai trưởng trong một gia đình không có người lớn. Có lẽ đó là lý do khiến ông nhiều lần muốn chạy trốn khỏi ngôi nhà này, trách nhiệm đó quá nặng nề và khó khăn đối với ông. Thời kỳ ấy đến kiếm miếng cơm bỏ vào miệng còn khó, nói gì tới việc cho cậu em trai đi học. Khi ông và chị gái ông không buồn nghe nữa, Kyun quay sang năn nỉ vợ ông. “Chị dâu ơi, chị cho em đến trường đi. Hãy cho em tiếp tục học cấp hai. Nếu được đi học, cả đời này em sẽ biết ơn chị.”
Vợ ông bảo với ông, “Kyun mong mỏi như vậy thì chúng ta cũng nên tìm cách gì đó cho nó đi học chứ ông?”
“Tôi cũng có được đến trường đâu! Ít ra nó còn được học hết cấp một đấy thôi,” ông vặn lại vợ mình.
Ông không được đến trường là bởi bố ông. Bố ông là thầy thuốc Đông y, sau khi mất đi hai đứa con trai lớn vì bệnh truyền nhiễm, bố ông không bao giờ cho ông tới chỗ đông người dù đó là trường học hay gì đi nữa. Hai bố con thường quỳ đối diện nhau để bố ông dạy chữ Hán cho ông.
“Bố Hyong-chol này... hay mình cho chú Kyun đến trường học đi,” vợ ông nói.
“Lấy gì cho nó đi học chứ?”
“Mình bán mảnh vườn đi là được chứ gì.”
Nghe thấy những lời nói đó của vợ ông, chị ông bảo, “Cô này định bán hết của cải nhà người ta đi đấy hả!” rồi chị đuổi vợ ông về bên nhà mẹ đẻ. Mười ngày sau, một buổi tối, ông uống rượu say khướt và khật khưỡng đi đến nhà vợ. Ông đi xuống con đường núi rồi khi đến túp lều nhà vợ, ông dừng bước trước cửa sổ gian phòng hướng ra sân sau um tùm tre pheo. Ông không nghĩ đến đây để đưa vợ về. Chính men rượu đã đưa ông đến đây, bữa rượu ông được mời sau khi giúp một người hàng xóm cày ruộng. Mặc dù ông không phải là người đã đuổi vợ mình về nhà mẹ đẻ nhưng ông cũng không thể cứ thế bước vào nhà vợ như không có gì xảy ra, thế nên ông cứ đứng yên đó. Tiếng vợ ông và người mẹ vợ già vọng ra ngoài. Mẹ vợ ông to tiếng với vợ ông, “Đừng có quay lại cái xó nhà đó nữa, về dọn dẹp đồ đạc rồi đi khỏi nhà đấy đi!”
Vợ ông sụt sịt, khăng khăng, “Có chết thì con cũng phải về nhà ấy con chết. Đó cũng là nhà của con, tại sao con lại phải ra đi chứ?” Ông đứng dựa vào tường cho đến khi ánh bình minh xuyên qua rừng tre. Ông chộp lấy vợ khi vợ ông ra khỏi phòng đi làm đồ ăn sáng. Vì khóc suốt đêm nên đôi mắt vốn trong sáng, to và đen nhánh của vợ ông lúc này sưng húp và nhỏ như lá răm. Cho dù vợ ông có mở to đôi mắt vì ngạc nhiên thì đôi mắt vẫn bé như sợi chỉ. Ông nắm tay vợ kéo đi qua rừng tre, trở về nhà. Khi đi qua rừng tre, ông bỏ tay vợ ra và bước lên trước. Những hạt sương sớm rơi ướt cả quần ông. Vợ ông, tụt lại phía sau, vừa thở hổn hển bước theo vừa nói, “Ông đi chậm một chút có được không!”
Vừa về đến nhà, Kyun đã chạy bổ đến chỗ vợ ông và reo lên, “Chị dâu ơi!”
“Chị dâu ơi, em không đi học nữa đâu, từ giờ chị đừng có bỏ nhà đi như thế nữa nhé!” Mắt Kyun long lanh nước, nó rất khổ tâm vì phải từ bỏ giấc mơ đến trường. Không thể đi học được nữa, Kyun chăm chỉ làm việc nhà giúp đỡ vợ ông. Mỗi khi cùng vợ ông làm việc trên cánh đồng ở sườn đồi, nếu đi vào những đám kê rậm rạp mà không nhìn thấy vợ ông đâu, Kyun sẽ gọi toáng lên, “Chị dâu ơi!” Khi vợ ông trả lời, “Sao thế em?” thế nào Kyun cũng cười vang và gọi tiếp, “Chị dâu ơi!” Kyun cứ gọi và vợ ông lại trả lời, rồi Kyun lại gọi và vợ ông lại trả lời. Hai chị em cứ người gọi người trả lời như thế cho đến khi làm xong việc trên cánh đồng trên núi. Kyun thực sự là người bạn đồng hành chung thủy của vợ ông trong những ngày ông bôn ba đây đó. Khi Kyun cường tráng hơn, nó dắt bò đi cày ruộng vào mùa xuân và cắt lúa trên đồng vào mùa thu sớm hơn bất cứ người nào. Vào cuối mùa thu, để chuẩn bị muối kim chi, nó đi ra vườn rau cải từ sáng sớm để thu hoạch toàn bộ rau cải. Hồi ấy, mọi người thường trải chiếu trên ruộng để đập lúa với cây đòn. Phụ nữ trong làng ai cũng có một cây đòn, hôm nào có nhà ai đập lúa thì tất cả phụ nữ sẽ tập trung trên cánh đồng nhà ấy, mang đòn ra đập giúp một tay. Họ đập lúa cho đến tận khi mặt trời lặn. Một năm, Kyun đi làm ở nhà máy bia trong thị trấn. Khi nhận được thù lao, Kyun mua một cái đòn mới về nhà đưa cho vợ ông.
“Cái đòn này là gì vậy?”
Kyun mỉm cười. “Cái đòn đập lúa của chị dâu cũ nhất làng này rồi... Bây giờ, chị có dựng lên chắc gì nó đã chịu đứng.”
Vợ ông vẫn bảo với ông là cái đòn đập lúa đã cũ thành thử khi đập lúa bà phải tốn sức hơn những người phụ nữ khác, thế nên bà muốn một cái mới. Lời của bà chưa kịp vào tai phải của ông thì đã lọt ra tai trái. Ông nghĩ, cái đòn đập cũ vẫn còn dùng được thì mua cái đòn mới làm gì? Cầm cái đòn đập lúa Kyun vừa đưa, đột nhiên vợ ông nổi nóng với Kyun, mà có lẽ đúng hơn là nổi nóng với ông. “Chú mua cái đòn đập mới thế này để làm gì? Anh chị còn không thể cho chú đi học được cơ mà!”
“Chị thật là, có gì đâu cơ chứ!” Kyun nói rồi đỏ bừng cả mặt.
Kyun rất nghe lời vợ ông. Có lẽ nó coi vợ ông như mẹ. Sau khi mua cái đòn đập lúa, hễ có tiền là nó lại mua bao nhiêu thứ về cho gia đình. Tất cả đều là những thứ vợ ông cần. Kyun còn mua về một cái chậu inox. Nó hơi xấu hổ, tủm tỉm cười nói, “Các bà các cô nhà người ta đều dùng đồ này hết rồi, có mỗi chị dâu nhà mình vẫn dùng cái thùng cao su nặng trịch thôi.” Vợ ông làm bao nhiêu kim chi trong cái chậu đó, rồi còn cho cơm trưa vào đấy để mang ra đồng. Sau khi dùng xong, bà lại lau chùi cho sáng loáng rồi đặt lên kệ. Bà dùng cái chậu cho đến khi lớp mạ tróc hết cả và cái chậu biến thành màu trắng.
Ông bất ngờ đứng dậy đi xuống bếp. Ông mở cánh cửa sau của nhà bếp và nhìn lên cái kệ đựng đồ làm từ mấy cây cọc dựng trong nhà kho. Những cái bàn ăn đã gập chân đặt ngay ngắn ở kệ trên. Kệ dưới cùng là cái chậu inox từ bốn mươi năm trước nằm im ở đó...
Khi vợ ông sinh đứa con trai thứ hai, ông không có nhà. Chỉ có Kyun ở bên cạnh bà. Về sau ông đã được nghe chuyện xảy ra lúc đó. Khi ấy đang độ mùa đông rét buốt nhưng trong nhà không còn chất đốt. Kyun đã chặt cây mận già ngoài sân, chẻ thành củi để sưởi cho chị dâu vừa sinh cháu mà phải nằm trong căn phòng lạnh giá. Kyun cho củi vào lò sưởi phía dưới phòng chị dâu rồi nhóm lên. Nhìn thấy thế, bà chị ông mở toang cửa phòng vợ ông và quát ầm lên, “Mợ không nghe người ta nói rằng nếu chặt cây trong nhà một cách bừa bãi thì thế nào trong nhà cũng có người chết hay sao mà dám làm như thế hả. Mợ điên rồi à!” Kyun hét toáng lên, “Em làm đấy! Sao chị lại mắng chị dâu!” rồi cãi nhau với bà chị gái. Chị gái ông tóm lấy cổ họng Kyun mà gầm lên, “Chị dâu mày bảo mày chặt có phải không? Cái thằng này! Mày hỏng thật rồi!” Kyun không chịu thua, đẩy vợ ông qua một bên và nói, “Thế chị muốn để chị ấy vừa đẻ con xong đã chết cóng trong căn phòng lạnh lẽo chắc?”
Cây mận đã bị chặt ấy hồi trước đứng ở chỗ này. Chuyện đó có lẽ xảy ra khoảng hai mươi ngày kể từ hôm Kyun trở về sau khi bỏ nhà đi kiếm tiền. Lúc Kyun về nhà, vợ ông là người vui nhất. Khoảng thời gian xa nhà, Kyun đã thay đổi rất nhiều. Nó thậm chí không cười cả với vợ ông. Ông chỉ nghĩ chắc nó đã gặp phải chuyện gì khó khăn ngoài đời. Một hôm, vợ ông hớt hải chạy đến trước cửa hàng trong thị trấn nơi ông đang chơi trò Yut, khuôn mặt bà trắng bệch. Dù bà nói Kyun trông lạ lắm, ông phải mau mau về nhà xem thế nào, ông vẫn mải mê với trò Yut nên bảo vợ cứ về trước đi. Vợ ông cứ đứng ngây ra một lúc, hồn xiêu phách tán, rồi đột nhiên lật úp chiếc thảm rơm bày những que gỗ của trò Yut và hét lên, “Chú ấy sắp chết rồi kia kìa! Ông có nhanh lên không nào!”
Hành động của vợ ông thật kỳ lạ khiến ông linh cảm thấy có gì không ổn nên bèn chạy vội về nhà.
“Ông nhanh lên! Nhanh nữa lên!” Vợ ông giục giã, chạy trước cả ông. Đó là lần đầu tiên vợ ông chạy trước ông. Kyun co rúm người nằm đúng chỗ cây mận đã bị chặt. Nước bọt phì ra trong khoang miệng và cái lưỡi thè cả ra ngoài.
“Có chuyện gì xảy ra với nó thế này?” Ông nhìn vợ nhưng vợ ông đã thẫn thờ như người mất hồn.
Là người phát hiện ra Kyun trong tình trạng đó, vợ ông bị cảnh sát gọi lên đồn vài ba lần. Trước khi nguyên nhân cái chết được làm rõ, tin đồn rằng chị dâu cho em chồng uống thuốc sâu đã lan sang tận làng bên. Chị gái ông hai mắt đỏ ngầu, luôn mồm chửi rủa vợ ông, “Cái con dã nhân, mày hại em tao.”
Vợ ông hết sức điềm tĩnh khi cảnh sát thẩm vấn. “Các ông nghĩ tôi đã giết chú ấy thì không cần dài dòng gì nữa, cứ giam tôi vào cho xong.”
Có lần cảnh sát đã phải đưa vợ ông về nhà vì bà từ chối không rời khỏi đồn, lại còn yêu cầu cảnh sát nhốt mình vào tù. Khi trở về nhà, vợ ông cứ vò đầu giật tóc rồi đấm ngực thình thịch. Bà mở tung cửa, lao ra ngoài trời mưa, chạy đến bên giếng vục mặt vào nước lạnh cóng. Còn ông, ông hoàn toàn suy sụp. Trong lúc vợ bị thẩm tra, cả ngày ông vừa chạy như điên khắp núi non, đồng ruộng vừa gọi tên người em đã chết, “Kyun ơi! Kyun ơi!” Trong lồng ngực ông như có lửa đốt, cơ thể ông nóng hầm hập không sao chịu nổi. Có một thời khi người chết ra đi không nói được một lời thì người sống hóa điên hóa dại như thế.
Vợ ông thật đáng thương. Giờ ông mới nhận ra mình đã hèn nhát chừng nào. Cả đời ông lúc nào cũng trút mọi nỗi đau lên vợ mình. Lẽ ra người cần được an ủi nhiều nhất là vợ ông nhưng vì ông cứ im lặng nên đã dồn vợ ông vào chân tường.
Mặc dù đau đớn đến mụ mị, nhưng lúc đó chính vợ ông đã nhờ người chôn cất Kyun. Nhiều năm trôi qua, nhưng ông không bao giờ hỏi xem Kyun được chôn ở đâu.
Thỉnh thoảng vợ ông lại hỏi, “Ông không muốn biết chú ấy được chôn ở đâu thật à?”
Ông không nói gì. Quả thật, ông không muốn biết.
“Ông đừng giận chú ấy vì đã ra đi như thế nữa... Ông là anh của chú ấy, chú ấy không còn cha mẹ nên ông phải tới thăm chú ấy chứ... Tôi ước gì chúng ta có thể đưa mộ chú ấy về một nơi tử tế trong khu nghĩa trang tổ tiên nhà ta.”
“Sao tôi lại phải biết bà đã chôn cái thằng hư đốn ấy ở đâu chứ?” ông gào lên với vợ.
Một lần, khi hai vợ chồng đang đi dọc một con đường, đột nhiên vợ ông dừng bước mà hỏi, “Mộ của chú Kyun ở gần đây, ông không định ra đấy à?” Nhưng ông làm ra vẻ không nghe thấy gì. Tại sao ông lại trút gánh nặng cho vợ mình như thế chứ? Đến tận hai năm trước, cứ vào ngày giỗ Kyun, vợ ông lại làm cơm rồi mang ra mộ Kyun. Mỗi lần từ trên núi trở về, thế nào miệng bà cũng sặc sụa mùi rượu Sochu, hai mắt thì đỏ ngầu.
Vợ ông thay đổi nhiều từ sau chuyện xảy ra với Kyun. Từ một con người vốn rất lạc quan, bà hầu như không bao giờ cười nữa. Nếu có cười thì đó cũng chỉ là nụ cười nhạt nhẽo, vụt qua nhanh chóng. Trước đây chỉ cần đặt lưng xuống sàn nhà là bà ngủ say như chết, mệt nhoài với công việc vườn tược đồng áng, nhưng từ dạo đó nhiều đêm dài bà cứ thức chong chong. Mãi cho tới khi đứa con gái thứ của ông trở thành dược sĩ và kê đơn thuốc ngủ cho vợ ông thì bà mới lại ngủ sâu giấc được. Vợ ông thật đáng thương, đến giấc ngủ cũng không yên. Có lẽ mấy viên thuốc ngủ người vợ mất tích của ông uống chưa kịp tan hết đã tích tụ cả lại trong não bà. Căn nhà cũ đã được xây lại hai lần từ sau khi Kyun mất. Mỗi lần xây lại nhà, ông lại bỏ những thứ đồ cũ chất thành đống trong một góc nhà ra chỗ khác. Mỗi lần như vậy, vợ ông lại tự mình cất giấu chiếc chậu inox, không cho ai động vào. Có lẽ vợ ông sợ nếu để cái chậu lẫn vào mọi thứ khác thì sẽ không bao giờ tìm thấy được nữa, nên chiếc chậu là thứ đầu tiên bà đưa vào cái lều tạm họ sống trong khi xây nhà. Khi nhà xây xong, bà luôn mang chiếc chậu đặt lên cái kệ trong ngôi nhà mới trước tiên rồi mới làm gì thì làm.
Đến trước khi vợ ông bị lạc, ông chưa khi nào thoáng nghĩ rằng chính sự im lặng của mình trong chuyện Kyun đã khiến vợ ông phải chịu bao đau khổ trong cuộc sống. Ông chỉ nghĩ nói lại chuyện đã qua cũng chẳng ích gì. Ngay cả khi cô con gái ông kể lại, “Bác sĩ hỏi liệu có chuyện gì làm mẹ con bị sốc không? Có việc gì mà con không biết không nhỉ?” thì ông chỉ lắc đầu. Rồi khi cô con gái nói, “Bác sĩ bảo nên đi tư vấn tâm thần xem sao bố ạ,” thì ông đã cắt lời và gắt toáng lên, “Tư vấn cái gì, tâm thần cái gì, vớ vẩn…” Ông luôn nghĩ khi tuổi già đến mình cần phải quên chuyện của Kyun đi, và giờ đây có vẻ như ông đã thực sự quên hẳn người em trai rồi. Ngay cả vợ ông từ sau khi bước sang tuổi năm mươi cũng thường nói, “Tôi chẳng thấy Kyun về trong mơ nữa. Có lẽ giờ chú ấy có thể lên thiên đường rồi.” Thế nên ông nghĩ chắc vợ ông cũng đã dần quên mọi chuyện, y như ông vậy. Mấy năm gần đây tự nhiên vợ ông lại bắt đầu nhắc đến chuyện của Kyun, mặc dù ông cứ tưởng bà đã quên.
Có một đêm vợ ông lay ông dậy. “Chú Kyun ấy ông, nếu mình cho chú ấy đi học thì chắc chú ấy đã không làm thế đâu nhỉ?” Vợ ông lẩm bẩm như thể nói với chính mình. “Kể từ khi về làm dâu ở cái nhà này, chú Kyun là người đối đãi với tôi tử tế nhất... Tôi là chị dâu của chú ấy mà lại không thể cho chú ấy đi học cấp hai mặc dù chú ấy rất khao khát được đến trường. Tôi lại thấy chú Kyun trong giấc mơ. Tôi nghĩ rằng, chú ấy vẫn lưỡng lự chưa đi đâu được.”
Ông chỉ “Hừ” một tiếng rồi lại quay lưng đi, nhưng vợ ông vẫn nói tiếp. “Sao lúc đó ông lại như thế chứ? Sao ông lại không cho chú Kyun đến trường? Chú ấy đã khóc lóc thảm thiết vì rất muốn đi học, thế mà sao ông không động lòng cơ chứ? Chú ấy đã bảo chỉ cần cho chú ấy nhập học thì bằng giá nào chú ấy cũng tự lo được, vậy mà…”
Ông không muốn bàn luận với bất cứ ai về Kyun. Bởi với ông, Kyun cũng chính là một vết thương trong lòng. Dù cây mận không còn ở đấy, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ nơi Kyun chết. Ông biết vợ mình vẫn hay thẫn thờ nhìn vào chỗ đó. Ông không hề muốn động đến vết thương ấy. Cuộc đời này có nhiều chuyện còn khủng khiếp hơn.
“Hừm hừm,” ông đằng hắng.
Chỉ sau khi vợ mất tích, ông mới nghĩ lẽ ra đêm hôm đó mình nên dành chút thời gian nói chuyện thẳng thắn với vợ về Kyun. Hình ảnh của Kyun vẫn luôn ở trong lòng vợ ông. Có nhiều đêm, vợ ông đột nhiên vùng dậy, chạy vào phòng tắm ngồi nép xuống bên cạnh bệ xí. Hai tay bà giơ ra như đang đẩy ai đó, miệng gào lên, “Không phải tôi, không phải tôi!” Nếu ông hỏi xem có phải vợ ông gặp ác mộng không, bà sẽ chớp chớp mắt và lơ đễnh nhìn vào khoảng không, như thể bà đã quên mất mình đang làm gì. Chuyện đó xảy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Tại sao ông không bao giờ nghĩ tới chuyện vợ mình đã nhiều lần phải đến đồn cảnh sát vì chuyện của Kyun? Chuyện vợ ông bị người ta đồn là kẻ giết em chồng? Tại sao đến tận bây giờ ông mới nghĩ ra rằng chuyện của Kyun có liên quan trực tiếp đến chứng đau đầu chết người của vợ mình? Lẽ ra ông phải nghe vợ mình nói chuyện, ít nhất là một lần. Ông nên để cho bà nói những gì bà muốn nói. Những tháng năm thắt nghẹn, kìm nén không được giải tỏa! Sự câm lặng của ông, thậm chí không cho vợ mình nhắc về chuyện đó, đã biến thành nỗi đau giằng xé vợ ông. Càng ngày ông càng hay thấy vợ mình ra đứng ngẩn ngơ thất thần ở đâu đó. Khi ấy vợ ông sẽ nói, “Sao tôi lại quên mất mình định làm gì rồi thế này?” Cho dù có những lúc đầu đau đến mức không lết nổi chân, vợ ông vẫn nhất quyết không đến bệnh viện. Bà còn bắt ông tuyệt đối không được nói cho các con biết về bệnh đau đầu của mình. “Nói với chúng thì giải quyết được gì chứ? Chúng nó đã túi bụi với công việc của mình rồi còn gì?”
Khi con cái phát hiện, vợ ông lại dập đi, “Hôm qua thì đau thôi, chứ giờ thì mẹ khỏi rồi!” Có hôm nửa đêm đang ngồi thẫn thờ một mình, chợt bà hỏi ông với khuôn mặt lạnh lùng, “Sao ông lại sống với người như tôi trong ngần ấy năm làm gì cơ chứ?” Thế nhưng, vợ ông vẫn tiếp tục làm mắm, đi hái mơ rừng làm nước mơ. Có những ngày Chủ nhật, bà có thể ngồi sau xe máy để ông đèo đến nhà thờ, và đôi khi bà còn gợi ý ra ngoài đi ăn ở một nhà hàng có nhiều món vì bà muốn ăn một bữa cơm do người khác nấu. Thế rồi, khi mọi người trong gia đình bàn là nên gộp tất cả các ngày lễ lạt vào một ngày cho tiện, vợ ông nói rằng khi nào cô con dâu trưởng tiếp quản công việc cúng đơm thì bà sẽ làm thế, nhưng vì bà đã làm cỗ cả đời rồi nên chừng nào còn sống thì bà vẫn cứ tổ chức các ngày lễ riêng rẽ. Nhưng khác với trước kia, vợ ông thường quên cái này cái nọ lúc chuẩn bị cỗ thành thử phải ra thị trấn bốn năm lần liền để mua thêm đồ. Khi đó ông chỉ nghĩ già rồi thì ai cũng như thế cả thôi.
Tờ mờ sáng chuông điện thoại đã reo vang, Ai gọi vào giờ này thế nhỉ? Ông khấp khởi hy vọng, chộp ngay lấy ống nghe.
“Bố ạ?”
Thì ra là cô con gái lớn.
“Sao mãi bố mới nghe điện thoại thế? Sao bố không nghe di động?”
“Có việc gì thế con?”
“Hôm qua gọi điện cho anh cả, con thấy lo quá... Sao tự dưng bố lại về quê thế? Nếu có đi thì bố cũng nên nói với con vài lời chứ. Về quê như thế mà bố cũng chẳng nghe điện thoại là sao?”
Có vẻ như đến giờ cô con gái mới biết chuyện ông về nhà.
“Bố ngủ nên không để ý.”
“Ngủ ấy ạ? Bố ngủ suốt từ khi ấy đến giờ sao?”
“Ừ, có lẽ vậy.”
“Bố ở đấy có một mình làm gì?”
“Biết đâu mẹ mày lại về đây.”
Cô con gái ông im lặng một lúc. Ông nuốt nước bọt, cổ họng khô rang.
“Con về với bố nhé?”
Trong mấy đứa con, cô con gái lớn có trách nhiệm nhất trong việc tìm vợ ông. Có thể một phần vì nó chưa lập gia đình. Ông dược sĩ ở phố Yokchon là người cuối cùng gọi để báo có trông thấy một người giống vợ ông. Con trai ông đã đăng thêm mấy tin quảng cáo trên báo, nhưng chẳng có ai chỉ dẫn gì nữa cả. Ngay cả cảnh sát cũng nói họ đã làm mọi việc có thể và giờ họ chỉ còn biết đợi người ta gọi đến báo tin nữa thôi, vậy mà cô con gái lớn của ông đêm nào cũng đi từ phòng cấp cứu của bệnh viện này tới bệnh viện khác để tìm xem trong số những bệnh nhân vô gia cư có ai là mẹ mình không.
“Không cần... Chỉ cần nghe được gì thì gọi cho bố ngay.”
“Bố, khi nào bố không muốn ở một mình nữa thì lên trên này ngay bố nhé. Hay là bố bảo bác sang ở cùng.”
Ông nghe giọng của cô con gái lạ quá, cứ như nó đã uống rượu. Giọng nói có vẻ líu nhíu.
“Con uống rượu phải không?”
“Có mấy chén thôi ạ,” cô con gái ông trả lời lí nhí.
Nó đã uống rượu đến tận sáng ư? “Chi-hon,” ông gọi giật lại khi thấy cô con gái định ngắt điện thoại. Cô con gái trả lời với giọng yếu ớt, “Vâng.” Bàn tay đang cầm ống nghe của ông ướt đẫm mồ hôi. Chân ông như chuội đi nên ông phải ngồi uỵch xuống sàn nhà.
“Hôm đó, mẹ con không đủ sức để lên Seoul. Lẽ ra bố mẹ không nên đi Seoul mới phải... Từ hôm trước, mẹ con đã kêu đau đầu, bà ấy phải đổ đá vào chậu rửa mặt rồi rúc đầu vào đấy. Mẹ con đau đến mức không thể nghe được tiếng người khác gọi mình... Ban đêm, bố phát hiện mẹ con đứng trước tủ lạnh và cho đầu vào ngăn lạnh. Chắc mẹ con đau đớn lắm. Mặc dù quên cả nấu cơm sáng, mẹ con vẫn đòi lên Seoul. Mẹ con nói rằng các con đang mong bố mẹ. Nhưng lúc đó bố lại không ngăn mẹ. Giờ bố già rồi nên đầu óc cũng không minh mẫn nữa hay sao ấy. Một phần bố cũng nghĩ thôi thì nhân thể lần này mẹ con lên Seoul, phải bắt bà ấy vào viện khám xem bệnh tình thế nào… Thế nhưng, lẽ ra lúc đưa người đang trong tình trạng đau ốm như thế lên Seoul, bố đã phải để ý tới mẹ con hơn... Vậy mà, bố chẳng nghĩ mẹ con là bệnh nhân, xuống ga Seoul một cái là ngay lập tức bố đi trước mẹ con... vẫn cái thói quen cũ ấy mà... Vậy nên sự việc mới đến nước này.” Những lời mà ông không thể nói khi ngồi trước mặt các con mình giờ đây tuôn ra ào ạt.
“Bố...” Tiếng cô con gái ông như nghẹn lại.
Ông lắng nghe.
“Con nghĩ mọi người đã quên mẹ rồi. Không có ai gọi điện. Bố có biết vì sao hôm đó mẹ con lại đau đầu như vậy không? Bởi vì con là một đứa con hư. Mẹ đã bảo thế đấy.” Giọng của cô con gái ông nhịu lại.
“Mẹ nói với con vậy ư?”
“Vâng... Con nghĩ mình không đến tiệc sinh nhật bố mẹ được nên con đã gọi điện từ Trung Quốc về hỏi xem mẹ đang làm gì, mẹ bảo đang rót rượu vào chai để đưa lên cho cậu út. Bố cũng biết là nó thích uống rượu rồi đấy. Con cũng không biết nữa. Chuyện đó thì có gì đâu, nhưng tự dưng con lại nổi cáu. Cậu út đáng ra phải bỏ rượu mới phải... Mẹ thì lại thấy cậu ấy thích uống rượu nên cứ mang cho cậu ấy thôi. Thế nên con mới bảo mẹ đừng mang thứ nặng nề ấy lên làm gì, nó uống say rồi quấy phá thì mẹ có chịu trách nhiệm được hay không? Sao mẹ không chịu nghĩ cho kỹ chút nào? Con đã nói với mẹ như thế đấy... Nghe xong, mẹ nói với giọng yếu ớt, ‘Con nói cũng phải,’ rồi nói thêm, ‘Chắc mẹ phải ra thị trấn mua ít bánh gạo...’ Năm nào đến sinh nhật bố là mẹ lại làm bánh gạo còn gì! Con lại bảo, ‘Thôi thôi mẹ ạ, thật ra có ai ăn mấy thứ bánh đấy đâu, bọn con cứ chia nhau vui vẻ như thế, chứ mang về nhà là lại vứt vào tủ lạnh để đấy thôi.’ Con bảo mẹ không phải bày đặt mấy trò quê mùa ấy nữa, cứ lên tay không là được rồi. Thấy con nói thế, mẹ hỏi, ‘Con vứt bánh tteok trong tủ lạnh à?’ Con trả lời, ‘Vâng, thậm chí bánh mẹ mang cho con từ ba năm trước vẫn còn trong tủ.’ Lúc ấy mẹ đã khóc. Con hỏi, ‘Mẹ khóc à?’ thì mẹ nói, ‘Mày là đứa con gái hư!’ Con chỉ định bảo mẹ cứ lên tay không cho đỡ khổ thôi vậy mà lại bị mẹ bảo là đứa con gái hư, nên lúc đấy con giận lắm. Hôm đấy thời tiết ở Bắc Kinh cũng nóng kinh khủng. Căng thẳng quá con mới đáp, ‘Vâng, mẹ đẻ ra đứa con hư như con thế này thì sướng quá còn gì? Vâng, con của mẹ hư lắm,’ rồi con ngắt điện luôn.”
Ông im lặng.
“Con biết mẹ ghét nhất bị ai đó la hét... Mọi người đều đã gào vào mặt mẹ rồi còn gì, phải không bố, tất cả chúng ta. Con đã định gọi điện lại để xin lỗi mẹ nhưng rồi con quên mất vì còn mải cùng mọi người đi ăn uống, ngắm cảnh, chuyện trò. Nếu con gọi điện lại để xin lỗi thì mẹ đã chẳng bị đau đầu như thế... và khi đó, mẹ đã có thể theo kịp bố rồi.”
Cô con gái khóc òa lên.
“Chi-hon à!”
Cô con gái im lặng.
“Mẹ con tự hào về con nhất đấy!”
“Bố nói gì cơ ạ?”
“Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách, rồi cứ lấy ra ngắm nghía suốt... Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe với người ta đấy.”
Cô con gái im lặng.
“Nếu ai hỏi rằng con gái làm gì... mẹ con sẽ nói rằng con là nhà văn… Mẹ con còn mang cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Con viết gì mẹ con đều biết hết. Cô gái đọc sách cho mẹ con kể rằng, mỗi khi được nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ con lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa. Vì vậy, cho dù có việc gì đi nữa, con cũng phải viết tiếp cho thật hay vào con nhé! Mọi điều đều có một thời điểm thích hợp để nói ra... Suốt cả cuộc đời mình có khi bố đã không nói với mẹ con, có khi để tuột mất thời cơ, có khi lại đinh ninh mẹ con đã hiểu rồi. Giờ đây bố cảm thấy mình đã có thể nói ra mọi điều nhưng lại không có ai nghe cả. Chi-hon à?”
“Vâng?”
“Nhờ con cả đấy... Mẹ con... Hãy nói với mẹ con.”
Không thể ngăn nổi mình nữa, cô con gái òa lên nức nở ở đầu dây bên kia. Ông ghé sát điện thoại vào tai, lắng nghe tiếng khóc tuyệt vọng của cô. Tiếng khóc của cô ngày càng lớn hơn. Nước mắt của cô như nhỏ xuống chảy theo đường dây điện thoại. Khuôn mặt ông đẫm lệ. Cho dù tất cả mọi người trên thế giới này có quên, cô con gái của ông sẽ vẫn nhớ. Rằng người vợ của ông đã yêu thế giới này biết mấy, và rằng ông đã yêu vợ bao nhiêu